Khi hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, việc bé bị viêm họng, sổ mũi là điều không tránh khỏi, và một trong những triệu chứng phổ biến là sốt. Vậy phải làm thế nào khi thân nhiệt của bé cao và có nguy cơ gây co giật? Bài viết sau sẽ giúp các mẹ chăm sóc bé đúng cách khi bị sốt.
Tại sao trẻ hay sốt và viêm họng vào mùa nóng?
Có người thắc mắc không hiểu sao vào mùa nóng trẻ con hay bị sốt mặc dù đã được nằm dưới quạt hay điều hòa suốt đêm: quạt hay điều hòa làm trẻ “nhiễm lạnh” chăng?
Thực ra, thân nhiệt bình thường của trẻ em giao động từ 36,50C đến 37,50C tùy theo thời gian trong ngày: thân nhiệt thường thấp nhất vào lúc nửa đêm và cao nhất vào buổi chiều. Thân nhiệt trẻ em có thể tăng lên chốc lát khi trẻ vận động, đặc biệt là khi thời tiết nóng bức.
Ngủ dậy lên cơn sốt sau một buổi hay một đêm nằm dưới quạt hoặc ngay cả trong phòng có điều hòa, nhiều phần là do mất nước qua da và không khí thở ra được thay đổi liên tục
Cách chăm sóc bé khi sốt?
Nếu thân nhiệt ở mức trên 380C, bạn có thể chăm sóc bé bằng cách cho trẻ uống nước và cởi bớt áo, lau người với nước ấm, đặc biệt là những vị trí như nách, háng… sẽ hạ nhiệt ngay. Sau đó, nếu cứ liên tục sốt, mới cần kiểm tra xem có dấu hiệu bệnh nào khác không. Nếu nhiệt độ không hạ, còn ở mức trên 390C, bạn nên đưa đến bệnh viện, chú ý đề phòng co giật. Có 9 việc bạn có thể chăm sóc bé ở nhà trước khi đưa trẻ đi khám bác sĩ:
– Nếu thân nhiệt của bé lên cao hơn 380C, cho bé uống một liều paracetamol trẻ em với nhiều nước. Nằm giường thì dẹp bớt chăn gối, phòng bí thì mở cửa sổ ra. Một ly nước trước khi đi ngủ có thể giúp cho bé được thông mũi dễ thở vào ban đêm.
– Với em bé dưới 3 tháng, không cần cho uống paracetamol, chỉ cần lau mình bằng nước ấm, cởi bớt quần áo cho bé.
– Bé đổ mồ hôi nhễ nhại và nhiệt độ giảm dần? Hãy mau cho bé uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất. Thay quần áo cho bé khi nhiệt độ trở lại bình thường, để bé được thoải mái.
– Nếu nhiệt độ cao hơn 39,40C, hãy cố gắng làm hạ nhiệt bằng cách lau mình cho bé bằng nước ấm đồng thời cho bé uống nhiều nước, ngay cả khi đã dùng viên đạn hạ nhiệt nhét hậu môn.
– Trong trường hợp vùng da xung quanh hai lỗ mũi trẻ đã trở nên đỏ và đau do chảy nước mũi nhiều hoặc do lau mũi thường xuyên thì nên thoa kem có kẽm oxyd để bảo vệ da.
– Cho trẻ hít hơi bạc hà bằng cách:
+ Vẩy một hai giọt bạc hà (menthol) lên đồ ngủ
+ Để một chiếc khăn tay có nhỏ vài giọt bạc hà bên cạnh gối.
Nếu trẻ trên ba tuổi, có thể thoa giầu gió có bạc hà lên ngực trước khi đi ngủ.
– Lỡ có bị cảm rồi, nên nâng đầu giường cho cao lên một chút để trẻ dễ thở hơn. Hoặc đặt một chiếc gối nhỏ hay một cái khăn mặt lớn xếp lại bên dưới nệm, cũng có tác dụng làm cho đầu và ngực hơi cao lên một chút.
– Giữ cho căn phòng của trẻ được thông thoáng nhưng cẩn thận đừng để không khí bị khô quá khiến bé khó chịu. Chỉ cần có một thau nước hoặc treo một khăn ướt đâu đó trong phòng để làm tăng độ ẩm không khí.
– Nếu trẻ đủ lớn (4- 5 tuổi) nên cho trẻ xông dầu gió: Lấy một bát nước sôi, nhỏ vài giọt dầu gió, dầu khuynh diệp… Choàng một tấm khăn lớn lên đầu, cho trẻ cúi xuống hít hơi dầu bốc lên từ bát nước trong chừng 5 phút sẽ làm cho trẻ đổ mồ hôi, chảy nước mũi- vừa dễ hạ nhiệt vừa thông mũi.
Nguyên tắc chăm sóc bé và phòng ngừa đơn giản
Viêm họng càng dễ xuất hiện khi miệng và họng chưa sạch thức ăn. Vậy nên:
– Chỉ súc miệng không hoặc súc miệng cả sau khi đánh răng kỹ cho trẻ buổi tối trước khi đi ngủ. Nước súc miệng có thể đơn giản chỉ là nước đun sôi với chút muối, nước oxy già (H2O2) pha loãng: 1 muỗng cà phê H2O2 (5ml) với ½ cốc nước đung sôi (100ml), hay một loại nước súc miệng có sẵn.
– Tốt hơn nữa là dạy cho trẻ cách súc họng vài lần trước khi nhổ ra.
– Nếu trẻ bị sổ mũi hay nghẹt mũi? Nhớ nhỏ nước muối sinh lý 0,9% mỗi bên lỗ mũi để rửa sạch.
– Nên tập cho trẻ biết cách hỉ mũi (bịt một bên lỗ mũi, thở mạnh ra bên kia) và dùng khăn giấy mềm lau nhẹ, cách này tốt hơn dùng khăn vải vì khăn vải chỉ sạch được lần đầu (những lần sau có thể coi khăn vải như “một ổ vi khuẩn” dễ làm cho xoang mũi “tái nhiễm” vi khuẩn…. gây ra chứng sổ mũi xanh hay vàng).
Đường hô hấp trên gặp nhau ở cuống họng, nơi các xoang trên đầu, các khoang mũi và miệng đổ vào ngã 3 hầu họng- toàn là những hệ thống nối môi trường bên trong với môi trường bên ngoài. Môi trường bên ngoài không chỉ đưa vào không khí vào thức ăn mà còn có thể đưa cả vi khuẩn gây bệnh vào cơ thể.
Những biện pháp vệ sinh đơn giản trên đây sẽ giúp các cháu học sinh tránh được các chứng bệnh thông thường nhưng có ảnh hưởng nhiều đến tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng ở lứa tuổi này.